Công chúa Nhật Bản kết hôn với dân thường – vì tình yêu từ bỏ tước vị
Công chúa Mako – Nhật Bản: Chuyện tình của họ chỉ mới kéo dài 1 năm cho đến khi Komuro quyết định ngỏ lời cầu hôn, và song thân của công chúa Mako là hoàng tử Akishino và vương phi Kiko đã đồng ý, dù biết rằng trưởng nữ của họ sẽ mất đi tước vị khi xuất giá.
Tại Nhật Bản, các công chúa không thể thừa kế ngai vàng cũng như không thể tiếp tục duy trì tước vị khi kết hôn với thường dân. Những luật lệ cổ xưa này đã được thảo luận sôi nổi trước đó, khi thái tử Naruhito và thái tử phi Masako không sinh hạ được hoàng nam và tranh cãi về việc sửa luật kế vị chỉ tạm lắng sau khi hoàng cung rộn rã đón chào sự ra đời của hoàng tử Hisahito, con trai út của hoàng tử Akishino và vương phi Kiko vào năm 2006.
Câu chuyện về dòng dõi Hoàng gia Nhật lại một lần nữa được xới lên khi một trong những vị công chúa được yêu mến nhất hiện nay của Hoàng gia Nhật Bản là công chúa Mako, 25 tuổi, trưởng nữ của hoàng tử Akishino, chuẩn bị lập gia đình với một thường dân vào năm tới.
|
Vì tình yêu bỏ tước vị
Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản, còn gọi là Cung Nội sảnh, tối 16.5 chính thức xác nhận thông tin được báo chí trong nước rầm rộ loan tải. Theo đó, công chúa Mako, nghiên cứu sinh của Đại học quốc tế Thiên Chúa giáo ở Tokyo, sẽ đính hôn với bạn học là Kei Komuro, 25 tuổi, đang làm việc cho một hãng luật.
Theo Kyodo News, hai người gặp nhau thông qua một người bạn vào năm 2012, khi cùng theo học ở Đại học quốc tế Thiên Chúa giáo. Chuyện tình của họ chỉ mới kéo dài 1 năm cho đến khi Komuro quyết định ngỏ lời cầu hôn, và song thân của công chúa Mako là hoàng tử Akishino và vương phi Kiko đã đồng ý, dù biết rằng trưởng nữ của họ sẽ mất đi tước vị khi xuất giá. Lễ đính hôn sẽ được thông báo sớm nhất là vào giữa tháng 6 và lễ cưới được dự kiến sẽ cử hành vào năm sau. Đây sẽ là đám cưới đầu tiên trong số 4 người cháu của Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko.
Sự kiện liên quan đến công chúa Mako luôn thu hút mối quan tâm đặc biệt từ công chúng Nhật Bản cũng như nhiều người trên thế giới. Công chúa Mako đã trở thành thần tượng trên internet của giới thanh thiếu niên Nhật Bản kể từ khi xuất hiện bức ảnh chụp cô mặc đồ lính thủy thời còn là học sinh vào năm 2004. Những bức họa vẽ lại hình ảnh nàng công chúa xinh đẹp cũng phổ biến trên mạng, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và bình luận. Đến năm 2011, cô đảm nhận tước vị Nội Thân vương, bắt đầu tham gia các sự kiện chính thức của hoàng gia ở cả trong và ngoài nước. Chính nhờ nét đẹp trong sáng, phong thái cao quý và đúng mực, công chúa Mako luôn trở thành tâm điểm của các sự kiện ngoại giao mà mình tham gia. Đặc biệt cô còn am hiểu ngôn ngữ ký hiệu và làm việc với cộng đồng người khiếm thính cùng với mẹ là vương phi Kiko. Công chúa Mako đã tốt nghiệp thạc sĩ về ngành bảo tàng học của Đại học Leicester (Anh) và hiện là chuyên gia nghiên cứu tại Viện Bảo tàng của Đại học Tokyo, trong lúc theo đuổi học vị tiến sĩ.
Còn vị hôn phu tương lai Komuro đang làm việc cho một hãng luật từ năm ngoái và vẫn tiếp tục việc đèn sách tại Trường cao học về Chiến lược doanh nghiệp quốc tế thuộc Đại học Hitotsubashi, chuyên ngành luật thương mại. Theo tờ Japan Times, vào năm Komuro 18 tuổi, tức năm 2010, anh từng được mệnh danh là “hoàng tử biển cả” khi trở thành đại sứ du lịch của TP.Fujisawa, phía nam Tokyo. Komuro thông thạo tiếng Anh, thích chơi vĩ cầm, nấu nướng, trượt tuyết và mơ ước của anh là tham gia vào các hoạt động ngoại giao. “Anh ấy là một thanh niên đầy sức sống, giao tế giỏi và tử tế”, ông Hiromi Arai, người từng tham gia việc lựa chọn đại sứ du lịch, nhận xét.
Thành viên hoàng gia đã ít lại tiếp tục giảm
Hôn lễ của công chúa Mako với một thường dân cũng đồng nghĩa với thực tế rằng số lượng các thành viên Hoàng gia Nhật vốn đã ít ỏi sẽ bị giảm xuống. Hiện Hoàng gia Nhật Bản gồm 19 thành viên, trong đó 14 người là nữ. Theo luật định, ngai vàng chỉ được truyền cho đàn ông, bao gồm 3 người theo thứ tự lần lượt là thái tử Naruhito, hoàng tử Akishino và con trai của ngài là hoàng tử Hisahito. Ngoài công chúa Mako, còn có tổng cộng 6 công chúa chưa kết hôn, và họ cũng sẽ mất đi địa vị hoàng gia một khi lập gia đình với thường dân. Điều này đã làm dấy lên quan ngại rằng hoàng thất sẽ không đủ thành viên để tiếp tục các nhiệm vụ và sứ mệnh nặng nề theo truyền thống.
Cho đến nay, dư luận nhìn chung có phản ứng tích cực với cuộc hôn nhân sắp tới của vị công chúa được yêu mến, nhưng một số người tỏ ra lo ngại về tương lai của hoàng thất. “Bản thân tôi cho rằng một thành viên nữ trong hoàng tộc nên được tiếp tục giữ tước vị”, theo Đài CNN dẫn lời bà Meiko Hirayama, 44 tuổi. Thế nhưng cũng có nhiều người như ông Katsuiji Tsunoda, 71 tuổi, một mực cho rằng cần phải duy trì huyết thống thiên hoàng đã được bảo toàn hơn 1.000 năm.
Nhật chuẩn bị thông qua luật thoái vịVào năm ngoái, Nhật hoàng Akihito, 83 tuổi, lần đầu tiên lên tiếng rằng tuổi tác của ngài có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện bổn phận nặng nề và ngỏ ý muốn thoái vị. Theo Cung Nội sảnh, mỗi năm Nhật hoàng và hoàng hậu thực hiện hơn 250 cuộc gặp và 75 chuyến công du trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện hơn 100 sự kiện cần tham dự đã bị hủy hoặc bàn giao cho thái tử Naruhito. Theo kế hoạch, dự luật cho phép Nhật hoàng thoái vị sẽ được quốc hội thông qua sớm nhất là vào ngày 19.5.
Theo Thanh niên
ATK st