Thị trấn Futaba thuộc tỉnh Fukushima chào đón người dân quay trở lại trong năm 2022
Hôm thứ Ba là ngày làm việc đầu tiên của năm 2022 ở Nhật Bản. Giới chức thị trấn Futaba thuộc tỉnh Fukushima lên kế hoạch chào đón người dân quay trở lại trong năm nay.
Người dân thị trấn này vẫn chưa thể quay về sau khi phải đi sơ tán vì sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1 vào ngày 11/3 năm 2011. Một phần của nhà máy nằm trong thị trấn.
Futaba là thị trấn duy nhất mà những người đi sơ tán chưa thể trở về. Trước khi xảy ra thảm họa, đây là nơi sinh sống của khoảng 7.000 người. Sau nhiều năm nỗ lực khử nhiễm phóng xạ, từ tháng 6 năm nay, người dân dự kiến sẽ được phép quay lại một số khu vực.
Thời điểm ấy, 300.000 cư dân đã bị buộc sơ tán khỏi khu vực nhà máy Fukushima Daiichi và vùng lân cận. Những người dân tại thị trấn Futaba thuộc tỉnh Fukushima, đáng tiếc thay, cũng nằm trong số đó. Nằm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi chỉ khoảng 3 km về phía Tây, Futaba bỗng trở thành trung tâm của thảm họa, hứng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố rò rỉ phóng xạ từ đây.
Futaba là khoảng trời chung của hơn 7.000 người dân cùng làm việc và sinh sống, với những cửa hiệu đồ ăn luôn tấp nập người qua lại và những con phố luôn tràn ngập tiếng cười. Đó từng là những gì diễn ra trước ngày 11/3/2011. Còn sau đó? Những dãy nhà đổ nát, những khu phố bỏ hoang, những con đường không còn vẹn nguyên như trước, đó mới là những gì người ta mô tả về Futaba. Futaba một tháng sau thảm họa đã chẳng còn vang tiếng cười trẻ thơ, và những tòa nhà đổ sập chẳng còn ai trở về sửa chữa, những giá sách đặt bên ô cửa, tuyệt nhiên chẳng một người nào ghé qua. Cứ như thế, Futaba bỗng chốc trở thành một “thị trấn ma”, theo cách gọi truyền thông, với chẳng chút hi vọng nào về sự phục hồi thêm một lần nữa. Kể cả khi 5 năm đã trôi qua, Nhật Bản vẫn buộc phải tiếp tục phong tỏa khu vực 12 dặm quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đặt cho nó cái tên là “khu vực chết chóc”. “Ở Futaba, nhiều “khu vực chết chóc” sẽ không thể hồi sinh. Rất có thể thị trấn gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima nhất này sẽ trở thành một bãi phế thải phóng xạ”, phóng viên Telegraph đã từng nhận xét như thế trong một lần đi thực tế tại đây. Đó có lẽ cũng là lý do vì sao Futaba là địa phương duy nhất tại Nhật Bản phải áp dụng lệnh sơ tán đối với toàn bộ thị trấn sau thảm họa trong suốt 9 năm qua. Tính đến ngày 1-6-2019, tổng dân số tại thị trấn Futaba là không người. |
Hôm thứ Ba, giới chức thị trấn Futaba tổ chức buổi lễ mừng ngày làm việc đầu tiên của năm nay. Sự kiện diễn ra tại một văn phòng của thị trấn đặt tại thành phố Iwaki, cách trung tâm Futaba khoảng 60 km về phía Nam.
Người đứng đầu thị trấn Futaba, ông Izawa Shiro, phát biểu với khoảng 40 nhân viên rằng năm nay sẽ rất bận rộn, vì người dân dự kiến sẽ quay trở về.
Ông Izawa cho biết sẽ đi đầu trong các nỗ lực tái thiết thị trấn và kêu gọi các nhân viên cùng chung tay.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã chi 250 tỷ USD cho 5 năm tái thiết đầu tiên (giai đoạn 2011-2015) và 65 tỷ USD nữa cho giai đoạn 2016-2020 cho khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép năm 2011. Bộ Môi trường Nhật Bản cũng khẳng định họ đã thực hiện “các biện pháp giảm bức xạ” tại nhiều khu vực, trong đó có Futaba.
@atk tổng hợp