Hùng biện tiếng Việt của thí sinh Furuya Noriko
Người Nhật nói tiếng Việt:
Phần thi xuất sắc của thí sinh Furuya Noriko đạt giải nhất tại kỳ thi hùng biện Việt Nhật lần 2 dành cho bộ môn thi tiếng Việt không chuyên ở đại học Osaka ngày 9/7/2017
Bài hùng biện kể về mối lương duyên dẫn đến 10 năm sinh sống của cô ở Việt Nam.
Người Nhật: Nguyên văn nội dung câu chuyện:
FURUYA Yoshiko (Thuộc Hội Những Người Yêu Việt Nam)
Xin kính chào Ban giám khảo và các quý vị. Tôi tên là FURUYA Yoshiko, đang học tiếng Việt tại lớp tiếng Việt của Hội Những Người Yêu Việt Nam, được gọi là Vietnamist Club, do Thầy TOMITA Kenji sáng lập.
Hôm nay, tôi xin được trình bày mối lương duyên đã khiến tôi quyết định một thân một mình sang Việt Nam và lưu lại đất nước này 10 năm.
Câu chuyện cách đây đã 24 năm, tức là vào năm 1993. Lúc đó, việc đi lại giữa Việt Nam và Nhật Bản còn chưa dễ dàng và thuận lợi như bây giờ.
Tôi đã đến thành phố Hồ Chí Minh một mình và đã đăng ký tour ở công ty Saigon Tourist để tham quan thành phố và đi Cần Thơ. Trong khi tham quan thành phố, người hướng dẫn, tên là anh Thăng, đã dẫn tôi đến hồ bơi của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ cũ và giới thiệu tôi với một người bạn của anh lúc đó hình như đang làm cứu hộ ở hồ bơi. Anh tên là Sáng. Anh Sáng có nước da đen sạm và một thân hình săn chắc.
Vào buổi sáng ngày hôm sau, anh Thăng và anh Sáng đến khách sạn đón tôi. Anh Thăng đã nói rằng: “Anh Sáng sẽ hướng dẫn chị đi đến Cần Thơ bằng xe Honda của anh ấy.” Tôi cứ đinh ninh là anh Thăng đi cùng với tôi như ngày hôm trước cho nên tôi đã rất ngạc nhiên và hoảng sợ. Anh Sáng không biết tiếng Anh nhiều. Tôi thì chỉ nói được bập bẹ tiếng Việt và cái chính là anh ấy không phải là hướng dẫn viên của công ty Saigon Tourist. Tệ hơn nữa là anh ấy sẽ chở tôi đi đến tận Cần Thơ bằng xe Honda. Nhưng cuối cùng, tôi cũng quyết định ngồi lên phía sau chiếc xe Honda của anh Sáng với tâm trạng lo lắng không nguôi.
Chúng tôi chạy trên mặt đường rộng dưới trời nắng chang chang mà tôi thì lại không đội nón bảo hiểm. Đôi khi kim tốc độ trên xe anh Sáng chỉ tới con số 60km(cây số)/giờ….. Khi trời mưa lớn, tôi khẩn cầu anh ấy ghé vào quán cà phê ven đường nghỉ ngơi một chút nhưng chỉ nhận lại được một cái áo mưa. Tôi đã bất chợt nghĩ rằng “Chắc anh này là người không tốt. Anh ta đưa mình đến một nơi thật đáng sợ….”
Thật ra thì anh ấy rất tốt bụng và hiền lành. Tôi nhận ra điều đó sau khi chúng tôi tới Cần Thơ. Ví dụ, anh Sáng đã hỏi vài nhà hàng để cố tìm cho ra món ăn mà tôi đã cho anh xem hình trong sách hướng dẫn du lịch. Khi mua đồ hoặc đi du lịch bằng tàu trên sông, dù tôi đồng ý với giá mà người ta báo nhưng anh nhất định không chịu mà nói là mắc quá. Anh không nghĩ rằng người nước ngoài cần phải trả nhiều tiền hơn người Việt Nam.
Trên đường trở về lại thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại yêu cầu anh Sáng ghé vào quán cà phê nghỉ một chút vì mông tôi ê ẩm do đã ngồi quá lâu trên cái yên xe Honda cứng ngắc của anh, nhưng lần này anh cũng không chịu vào mà cứ thế đi tiếp …. Ối, anh này lại không tử tế gì cả! Tôi đã lại nghĩ như vậy. Nhưng sau khi về lại khách sạn một cách an toàn, tôi nghĩ lại mới thấy anh ấy lo không kịp thời gian để đưa tôi về đến nơi đến chốn. Tôi đã muốn gửi anh một ít tiền để tỏ lòng biết ơn nhưng anh một mực không chịu nhận mà nói rằng chúng tôi là bạn bè nên anh không thể nhận.
Có một chuyện khác nữa khiến tôi quyết tâm quay lại Việt Nam. Tôi đã gặp một nữ sinh viên đang học tiếng Nhật và đã được em ấy giới thiệu với một giáo sư của một trường đại học nọ. Dù mới gặp tôi lần đầu, nhưng thầy ấy đã gợi ý cho tôi quay lại Việt Nam để dạy tiếng Nhật bởi những nơi này đang rất thiếu giáo viên. Không có hồ sơ lý lịch trên tay, không mặc trên người bộ áo vét xin việc nhưng tôi vẫn được thầy ấy ân cần ngỏ ý như vậy. Chuyện như vậy thật hiếm có ở Nhật!
Chính sự dịu dàng, tốt bụng, hiền lành, thành thật và tận tâm của những người Việt Nam mà tôi may mắn được gặp ở lần đầu tiên đó đã khiến tôi cảm thấy muốn làm một điều gì đó để trả ơn họ dù lúc đó tôi còn non nớt và chưa có kinh nghiệm. Không có hợp đồng chính thức mà chỉ nhận được một câu “dạy giùm tiếng Nhật” bằng miệng thôi nhưng tôi vẫn quyết định quay lại Việt Nam một mình vào năm 1995. Tôi đã đoán là có lẽ mình không ở lại Việt Nam lâu được nhưng cuối cùng là tôi đã sống bên đó những 10 năm. Sở dĩ tôi có thể trụ lại Việt Nam lâu như vậy là nhờ có sự giúp đỡ của những người Việt Nam xung quanh tôi. Cũng chính trong thời gian này, tôi có dịp tiếp cận nhiều hơn với người Việt Nam. Có khi khóc, có khi cười, có khi giận, có khi vui…. Tất cả đã khiến lòng tôi xúc động rất nhiều.
Tôi đang học lại tiếng Việt với ước mong có thể hiểu sâu hơn về tâm hồn của người Việt Nam thông qua những bài thơ và những quyển tiểu thuyết. Gần đây có rất nhiều người Việt Nam đến Nhật để học, làm việc hoặc du lịch. Người dân của hai nước ngày càng có nhiều cơ hội gặp gỡ nhau hơn nên tôi hy vọng mình có thể giúp họ hiểu được nhau.