Quan niệm về sự giầu có của người Nhật

Quan niệm về sự giầu có của người Nhật

Nhật Bản là một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới hiện nay. Khoảng cách thu nhập ở nước này ngày càng xa. Ở Mỹ, khoảng cách này lớn đến nỗi, 10% người giàu đã tự tách mình ra khỏi phần còn lại của xã hội bằng những khu vực công cộng riêng hay những tòa nhà chung cư riêng biệt. Trong khi đó, người giàu ở Nhật lại cư xử hoàn toàn khác. Nhiều người Nhật nói rằng, họ có thể sống ngay cạnh một triệu phú mà không hề nhận ra, bởi cuộc sống của họ không khác gì những gia đình bình thường.

Những người giàu ở Nhật Bản không thể hiện sự giàu có bởi tâm lý không muốn tách biệt khỏi đám đông.

Người Nhật không phô trương tài sản

Làm thế nào để xác nhận một người Nhật giàu có? Theo Atsushi Miura, tác giả cuốn sách “The New Rich”, giới tài chính xếp một người vào hạng giàu có nếu thu nhập hàng năm của họ đạt hơn 3 triệu Yên và tổng giá trị tài sản hơn 100 triệu Yên. Khoảng 1,3 triệu người Nhật (tương đương 1% dân số) sở hữu tài sản nằm trong phạm vi này. Trong nghiên cứu, Miura nhận thấy, những người Nhật giàu có thường ít phô trương. Họ không xây dựng biệt thự bởi cho rằng xây những ngôi nhà quá phô trương giống như “ném tiền qua cửa sổ”.

người nhật

Người Nhật giàu có thường chi tiền vào những thứ họ thích, thường mang giá trị phi vật thể cao như bảo nghệ thuật, tài trợ cho một hoạt động nghiên cứu văn hóa… Họ cũng thường xuyên đi du lịch và chi nhiều tiền cho hoạt động này. Người Nhật giàu cũng có xu hướng tiêu dùng nội địa nhiều hơn. Họ đi du lịch trong nước, yêu thích nghệ thuật Nhật Bản và ưa chuộng các loại rượu truyền thống như nihonshu hơn đồ ngoại. Biểu hiện này thể hiện trách nhiệm công dân và tinh thần dân tộc cao.

Tuy nhiên, người Nhật vẫn giữ tài sản của họ ở nước ngoài để tránh thuế. Để đối phó với việc này, chính phủ Nhật bản quy định những người sở hữu tài sản ở nước ngoài nhiều hơn 50 triệu Yên phải báo cáo.

Ở Nhật, không có khái niệm “giàu có nhàn rỗi”

Người Nhật có ý thức rõ ràng về tài sản của họ. Họ làm giàu bằng sự nỗ lực cá nhân chứ không trông chờ vào việc được thừa kế tài sản từ cha mẹ. Ngay cả những người được thừa hưởng sự giàu có từ gia đinh cũng có xu hướng làm việc thực sự. Ở Nhật, không có khái niệm “giàu có nhàn rỗi”.

Người Nhật không cung cấp quá nhiều tiền cho con cái, họ trang bị cho con những công cụ để kiếm tiền như sự giáo dục tốt nhất, nền tảng hiểu biết cơ bản về giá trị của tiền bạc, thái độ sống và làm việc… Những đứa trẻ “con nhà giàu” đều học hỏi từ chính cha mẹ chúng và bắt tay vào đầu tư cho cuộc sống của chính mình. Theo cuốn sách The New Rich, 24% trẻ em “con nhà giàu” có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán, 52% có khả năng xác định các danh mục đầu tư chứng khoán cho chính mình. Trong khi đó, tỉ lệ này là 8% đối với trẻ em con nhà bình thường.

Với những gia đình giàu có – tổng thu nhập của hai vợ chồng ít nhất 10 triệu Yên mỗi năm, 40% tham gia đầu tư chứng khoán. Hầu hết những cặp đôi này thuê người khác quản lý tiền bạc, lên kế hoạch tài chính, bởi họ không có thời gian làm những việc này. Họ tiêu tiền thoải mái cho các dịch vụ vệ sinh, chăm sóc gia đình cơ bản vì mục đích có nhiều thời gian rảnh hơn.

Mọi người Nhật đều làm việc và kiếm tiền. Ngay cả những người đã về hưu cũng không ngừng làm việc. Họ am hiểu công nghệ, tìm hiểu hoạt động của thị trường kinh tế và tự đầu tư trực tuyến. Những người này có kiến thức sâu sắc về xu hướng tài chính và có thể đưa ra quyết định đầu tư chính xác. Ước tính khoảng 8,8 triệu người Nhật cao tuổi có tài sản trung bình 26 triệu Yên.

Ông Umemoto chia sẻ: “Tôi đã thanh toán hết số nợ thế chấp, con cái tôi cũng đã đủ trưởng thành để không phải chu cấp tiền cho chúng. Bây giờ tôi chỉ việc hưởng thụ cuộc sống an nhàn”.

Nhật Bản không có nhiều người siêu giàu – chỉ có 6 người lọt trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới do Bloomberg bình chọn so với 164 người ở Mỹ. Thế nhưng trong thực tế, số lượng triệu phú của Nhật Bản có khối tài sản từ 1 triệu USD trở lên đạt tới 2,7 triệu người – thậm chí còn cao hơn cả Trung Quốc và Đức cộng lại.

Nguồn CafeF