Chính sách cải cách kinh tế Nhật của thủ tướng Shinzo Abe
Các chính sách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, còn gọi là Abenomics được triển khai từ năm 2013, gồm một tập hợp các cải cách tiền tệ, tài chính, cơ cấu kinh tế, hướng tới thúc đẩy tăng trưởng và đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều thập kỷ qua.
Trong thời gian gần đây, giới truyền thông và phân tích nói nhiều về nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng như những đóng góp của ông cho đất nước. Trái ngược lại, phe đối lập lại xoáy sâu vào những thay đổi với xã hội mà chính sách kinh tế, chính trị của Thủ tướng Abe đã gây ra suốt 6 năm qua.
Theo những chuyên gia phân tích, các chính sách của Thủ tướng Abe đã mở cửa một trong những nền kinh tế nhiều tài năng nhất thế giới, điều vốn không bình thường ở một quốc gia có truyền thống tự lập và trầm lắng như Nhật Bản. Thêm vào đó, sự biến đổi của cấu trúc dân số đã khiến Thủ tướng Abe ban hành một loạt cải cách với thị trường lao động, cho phép người Nhật nghỉ hưu muộn hơn, thuê người già làm việc, kích thích phụ nữ đi làm hay nới lỏng nhập cư lao động nước ngoài.
Trong khi hầu hết các nhà phân tích chỉ để ý đến những chính sách kinh tế của cường quốc Nhật Bản thì phần lớn mọi người lại quên đi các tác động xã hội từ quyết định của Thủ tướng Abe với một trong những nền văn hóa được nhiều người biết đến nhất.
Tăng trưởng GDP chậm nhưng chắc của Nhật Bản
Vị thủ tướng gặp may?
Thủ tướng Abe là cháu trai của Cựu thủ tướng Nobusuke Kishi. Đắc cử ở độ tuổi 52 vào năm 2006, Thủ tướng Abe không những hoàn thành tâm nguyện của người ông khi lãnh đạo đất nước Nhật hồi phục dần sau thời gian dài khủng hoảng, ông còn là một trong những thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản đắc cử thời kỳ hậu Thế Chiến II.
Trớ trêu thay, tình hình sức khỏe cũng như việc Đảng của ông thất trận trong cuộc bầu cử Nghị viện đã buộc ông phải từ chức vào năm 2007 và khiến hàng loạt kế hoạch lớn của nhà lãnh đạo này bị đổ bể.
“Mọi thứ thật tồi tệ. Tôi mất tất cả danh dự cũng như phẩm giá của mình”, Thủ tướng Abe nhớ lại quãng thời gian khó khăn đó.
Quãng thời gian đó, đảng LDP của ông Abe thua trận tại các cuộc bỏ phiếu bầu Nghị viện, vốn hiếm khi xảy ra kể từ sau Thế chiến II. Nguyên nhân chính là do cuộc khủng hoảng tài chính cũng như tình trạng tăng trưởng chậm nhiều năm khiến người dân Nhật bất bình. Chỉ trong vòng 5 năm kể từ sau khi ông Abe từ chức, chính trường Nhật Bản đã thay tới 5 vị thủ tướng, cho thấy sự bất ổn của nền chính trị, kinh tế xứ sở mặt trời mọc.
Tỷ lệ lao động trên tống dân số của Nhật
Phải đến năm 2012, ông Abe mới được bầu trở lại vào vị trí thủ tướng để rồi ban hành hàng loạt chính sách kinh tế, hay còn gọi là Abenomic, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nới lỏng chính sách tiền tệ và mở rộng đầu tư công để đưa Nhật Bản hồi phục trở lại.
Tất nhiên, hàng loạt những biện pháp thúc đẩy kinh tế sẽ đi kèm những hệ lụy, phá vỡ các truyền thống xã hội và trở thành tâm điểm chỉ trích của phe đối lập. Tuy nhiên, như biểu đồ Maslow đã chỉ ra, cử tri Nhật sẽ quan tâm đến vấn đề ấm no của họ trước khi có thể để ý đến những thứ khác.
Ngay cả đến một số thành viên trong đảng LDP cũng không phục chiến thắng của Thủ tướng Abe.
“Ông ấy chỉ gặp may nhờ nền kinh tế toàn cầu đi lên, chính sách nới lỏng tiền tệ có tác dụng, đồng Yên yếu thúc đẩy xuất khẩu và thị trường chứng khoán tăng mạnh tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư”, chính trị gia Shigeru Ishiba, thành viên của LDP và từng là đối thủ tranh chức chủ tịch đảng với Thủ tướng Abe năm 2012 nói.
Chính trị gia Shigeru Ishiba và Thủ tướng Abe
Dù may mắn hay thông minh thì những chính sách của Thủ tướng Abe đã đem lại các kết quả rõ ràng cho nền kinh tế. Chỉ số chứng khoán Nikkei đã tăng 100% kể từ năm 2012 trong khi đồng Yên yếu khiến Nhật Bản kích thích mạnh được xuất khẩu và thu hút được lượng lớn khách du lịch.
Bất chấp số người trong độ tuổi lao động giảm 4,5 triệu người trong thời gian qua, lực lượng lao động Nhật vẫn tăng 2,5 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này hiện ở mức 2,5%, thấp nhất 25 năm qua và thấp hơn rất nhiều mức 4,3% của năm 2012 khi Thủ tướng Abe lên cầm quyền. Hơn thế nữa, lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng tăng cao kỷ lục, thúc đẩy số tiền đóng thuế lên mức cao chưa từng thấy.
Nhờ những thành tựu vượt bậc về kinh tế mà Nhật Bản có đủ nguồn lực để đầu tư cho xã hội. Tuy vậy, kinh tế Nhật Bản vẫn còn có 1 số yếu điểm như tiền lương chưa tăng kịp tốc độ tăng của lạm phát khiến nhiều người dân cảm thấy khó khăn hơn trong cuộc sống. Chi tiêu hộ gia đình Nhật vẫn cầm chừng và tăng trưởng kinh tế bình quân gia đoạn 2012-2017 chỉ vào khoảng 1,3%.
Dân số già đang đe dọa kinh tế Nhật
“Làm ơn tăng lương thêm hơn 3%”, Thủ tướng Abe đã nhắc lại trong cuộc họp với các doanh nghiệp hàng đầu tháng 1/2018 và đây đã là lần thứ 4 liên tiếp nhà lãnh đạo này đưa ra yêu cầu như vậy.
Rõ ràng, thủ tướng Abe hiểu rằng lợi thế của mình ở đâu trong cuộc bầu cử này và tại sao cử tri lại để cho ông tại nhiệm suốt 6 năm qua.
Hiểu mình hiểu người
Sau thất bại bất ngờ năm 2007 của đảng LDP, Thủ tướng Abe đã rút ra được rất nhiều bài học. Một trong số đó là sự khác biệt giữa ý tưởng với thực tiễn. Nhà lãnh đạo này đã áp dụng rất xuất sắc biểu đồ Maslow khi rõ ràng cử tri Nhật quan tâm đến các vấn đề thiết yếu rồi mới đến những giá trị khác trong xã hội.
Do đó, kinh tế mới là ưu tiên hàng đầu của Abe chứ không phải các phong tục truyền thống. Chính thủ tướng Abe đã nới lỏng nhập khẩu lao động nước ngoài, nâng tổng số lao động này lên 100% đạt 1,3 triệu người. Rất nhiều công nhân từ Việt Nam, Trung Quốc, Philippines tràn vào Nhật để làm việc trong những ngành xây dựng, y tế hay bán lẻ.
“Với tình hình kinh tế tốt như hiện nay, rõ ràng là thị trường lao động sẽ gặp biến cố khi thiếu hụt nguồn nhân lực bắt đầu ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực”, Thủ tướng Abe nói.
Dân số già hóa nhanh khiến Nhật Bản thiếu lao động trầm trọng nhưng tình hình chỉ thực sự đáng báo động từ năm 2013 khi nền kinh tế khởi sắc trở lại. Ngoài những chính sách cổ vũ phụ nữ và người già tham gia lao động, việc nhập khẩu nhân lực là điều tất yếu dù chúng có thể ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống và lối sống của người bản địa. Số liệu cho thấy lượng nhân viên nữ đang làm việc trên tổng số nữ giới trong độ tuổi lao động tại Nhật đã tăng từ 60,7% năm 2012 lên 67,4% năm 2017.
Rõ ràng, cho dù cuộc bầu cử tới thế nào, Thủ tướng Abe vẫn sẽ được nhớ tới là một trong những nhà lãnh đạo dám cải cách để thay đổi nền kinh tế Nhật bất chấp chúng đem lại các tác động cho xã hội, văn hóa, truyền thống của đất nước này.
Lao động Việt Nam tại Nhật