Ngành nấm ở Fukushima ảnh hưởng nặng nề vì cấm tiêu thụ do nhiễm xạ
Những cây nấm, đặc sản mùa Thu từng thu hút nhiều du khách tới tỉnh Fukushima, vẫn mọc khắp núi rừng trong khu vực, nhưng bị cấm tiêu thụ. Gần một thập kỷ kể từ khi thảm hoạ năm 2011 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1 gây nhiễm xạ trên diện rộng, nấm dại ở đây vẫn có nồng độ xê-si cao kỷ lục.
Ông Jinno Tsutomu, 71 tuổi, từng đứng đầu một hợp tác xã thu hoạch nấm matsutake ở thị trấn Tanagura, tỉnh Fukushima, cho biết: “Tôi chưa từng nghĩ là chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng của sự cố hạt nhân”.
Thị trấn Tanagura cách nhà máy điện hạt nhân hơn 80km, nhưng vào mùa Hè năm 2011, người ta ghi nhận chất phóng xạ nồng độ cao ở nấm mọc dại trong khu vực này.
Hiện nay, chất phóng xạ gần như không còn được ghi nhận ở gạo hoặc rau củ trồng tại đây, nhưng nấm dại thì lại khác. Theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, nồng độ chất phóng xạ xê-si trong các loại thực phẩm nói chung không được vượt quá 100 becquerel/kg. Nồng độ phóng xạ ở nấm matsutake của thị trấn Tanagura vẫn cao gấp 3 lần mức này.
Nấm hương matsutake ở thị trấn Tanagura nổi tiếng có vị và hương thơm tuyệt vời. Trước đây, cứ tới mùa Thu là du khách lại đổ xô tới khu vực này để hái nấm, và đặc sản này từng là một nguồn thu nhập quan trọng của thị trấn. Ông Jinno vẫn hy vọng những ngày như vậy sẽ quay lại.
Giờ ông vẫn đi hái nấm, nhưng là để ngăn người khác hái chúng trái phép. Trong vòng khoảng 3 tiếng đồng hồ ông đã hái đầy một giỏ, nhưng chẳng để làm gì. Ông thở dài: “Tôi thực sự buồn lắm khi phải vứt hết chúng đi”.
Nguyên nhân khiến nồng độ phóng xạ cao
Lệnh cấm xuất bán nấm dại được áp dụng với hầu hết tỉnh Fukushima.
Ông Hiroi Masaru, cựu giáo sư Đại học Nữ sinh Koriyama, cho biết các loại nấm như nấm matsutake mọc trên một lớp gồm lá cây đang phân huỷ và đất sét, sâu khoảng 5cm dưới mặt đất. Lớp này dễ hấp thụ chất xê-si trong lá cây. Ở những khu vực có tuyết rơi dày vào mùa Đông, lá cây rụng mất nhiều thời gian phân huỷ. Đó là một phần nguyên nhân khiến nồng độ xê-si ở một số loại nấm bắt đầu tăng sau 3 đến 5 năm kể từ khi xảy ra sự cố hạt nhân.
Ông Hiroi nói rằng cần tuân thủ các tiêu chuẩn của chính phủ, nhưng ông cũng nghĩ liệu các quy định đó có quá nghiêm ngặt hay không. Ông nói: “Cần có các tiêu chuẩn khắt khe đối với các loai thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày như gạo, nhưng chúng ta chỉ ăn rau củ mọc trên núi hay nấm dại vài lần trong năm. Mức phóng xạ hiện nay hầu như không gây hại gì”.
Nhật Bản cũng có tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn so với các nước khác trên thế giới. Uỷ ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex), tổ chức đề ra các tiêu chuẩn quốc tế đối với thực phẩm, giới hạn nồng độ chất phóng xạ xê-si ở thực phẩm ở dưới mức 1.000 becquerel/kg. Tiêu chuẩn của Nhật Bản là 100 becquerel/kg, tức là nghiêm ngặt hơn gấp 10 lần.
Trở ngại trong việc dỡ bỏ lệnh cấm
Do có nhiều loại nấm dại, người bình thường khó phân biệt được các loại với nhau. Nếu một loại nấm có nồng độ phóng xạ quá cao, thì tất cả các loại nấm dại trong khu vực đó đều bị ngừng xuất bán.
Thủ tục dỡ bỏ lệnh cấm phức tạp và mất nhiều thời gian. Chính quyền địa phương phải thu thập mẫu vật của các loài nấm cụ thể từ hơn 5 địa điểm và xác nhận rằng chúng có nồng độ phóng xạ dưới mức chỉ tiêu 100 becquerel/kg. Bài kiểm tra tương tự sẽ được thực hiện trong năm tiếp theo để xem mức phóng xạ có giảm không. Trong năm thứ 3, mẫu nấm phải được thu thập từ 60 địa điểm khác nhau trong khu vực, và nếu tất cả đều có nồng độ phóng xạ dưới mức chỉ tiêu 100 becquerel/kg thì lệnh cấm mới được dỡ bỏ.
Một quan chức bộ y tế cho đài NHK biết rằng hiện chưa có đủ dữ liệu để xem xét dỡ bỏ lệnh cấm.
Văn hoá ẩm thực dần biến mất
Đối với người dân ở thị trấn Tanagura, nấm matsutake không chỉ là nguồn thu nhập, mà còn đóng vai trò kết nối mọi người trong cộng đồng. Ông Jinno nói rằng thật đáng tiếc là trẻ em ngày càng thờ ơ với các loại thực phẩm của mỗi mùa.
Ông nhớ lại: “Mọi người từng lên núi hái rau củ mọc tự nhiên theo mùa và mang về nấu. Kể từ sau sự cố hạt nhân, mọi người không còn làm vậy nữa và văn hoá ẩm thực của chúng tôi đang dần biến mất. Trẻ em không thể thích thú với các loại thực phẩm nếu không thấy chúng trên bàn ăn, nhưng thực tế là ta không thể khử xạ cả vùng núi rộng lớn. Đã 10 năm trôi qua kể từ sự cố hạt nhân. Tôi hầu như đã từ bỏ hy vọng rồi”.
Theo NHK